Giai đoạn 2015 – 2023, thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Lâm Hà diễn biến tích cực, phát triển lành mạnh, đặc biệt sôi động từ năm 2019 đến giữa năm 2022.
Thị trường nhà đất Lâm Hà diễn biến sôi động trong giai đoạn 2019 – 2022
UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Lâm Hà cung cấp, từ năm 2018 đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 60.975 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, năm 2018 có 4.210 hồ sơ; năm 2019 có 9.938 hồ sơ; năm 2020 có 12.256 hồ sơ; năm 2021 có 14.974 hồ sơ; năm 2022 có 13.935 hồ sơ; năm 2023 có 5.662 hồ sơ.
UBND huyện Lâm Hà cho biết thêm, các quy hoạch được phê duyệt đã có tác động lớn đến việc phát triển của thị trường bất động sản tại địa phương. Theo đó, đã định hướng các khu vực phát triển, trong đó có khu vực phát triển bất động sản, tác động đến giá trị đất đai, tâm lý đầu tư theo số đông,…
Các dự án bất động sản trên địa bàn huyện được triển khai đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Hà đang triển khai dự án đầu tư xây dựng một phần khu dân cư Vạn Tâm và dự án Khu dân cư phía Đông.
Bước sang năm 2024, huyện Lâm Hà dự kiến phát triển thêm hai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư. Trong đó, dự án chợ và khu phố chợ xã Phúc Thọ được triển khai tại xã Phúc Thọ và dự án chợ và khu phố chợ thị trấn Nam Ban được triển khai tại Thị trấn Nam Ban.
Một phần huyện Lâm Hà nằm trong vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế.
Huyện Lâm Hà được định hướng phát triển ra sao?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được phê duyệt, một phần huyện Lâm Hà nằm trong tiểu vùng I. Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế.
Cụ thể, tiểu vùng I gắn với cao nguyên Lang Biang bao gồm Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) – Đức Trọng – Đơn Dương – Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà).
Đồng thời, một phần còn lại của huyện Lâm Hà tiểu vùng II. Đây là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; là vùng đệm sinh thái trung chuyển giữa tiểu vùng I và tiểu vùng II, trong đó đô thị Di Linh là trung tâm của vùng.
Tiểu vùng II gắn với cao nguyên Di Linh bao gồm: Di Linh – Đam Rông – Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh).
Trong phương án phát triển du lịch, tại huyện Lâm Hà sẽ nâng cấp khu du lịch thác Voi. Đồng thời quy hoạch, đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Đông Thanh; du lịch sinh thái Liêng Chi Nha; quần thể vui chơi giải trí làng châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2.
Cũng theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, dự kiến sẽ có nhiều dự án ưu tiên đầu tư tại huyện Lâm Hà như: Khu du lịch sinh thái Hồ Đông Thanh, xã Đông Thanh; Khu du lịch sinh thái Thác Liêng Chi Nha; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp quần thể vui chơi giải trí tại hồ Đồng Nai 2 (Khu vực I, II, III);
Khu đô thị thị trấn Nam Ban và các xã lân cận (Khu vực I, II, III); Đầu tư xây dựng tuyến ĐT.725 đoạn Thác Voi – thị trấn Đinh Văn; Đầu tư xây dựng mới tuyến ĐT.726 đoạn nối quốc lộ 27 với quốc lộ 28; Đầu tư xây dựng tuyến ĐT.723;…